Văn hóa chào hỏi ở nơi công sở, công nhận nhiều bạn trẻ vào môi trường cơ quan công sở mà văn hóa chào hỏi kém thật sự mọi người ạ. Sẽ thật là thiệt thòi khi bị các đồng nghiệp đánh giá như thế phải không? Trước mặt thì họ sẽ không nói gì đâu, nhưng sau đó mới là vấn đề thật sự luôn. Nào là nhân viên mới phòng gì gì đó, tên gì vậy, gặp người lớn mà mắt cứ trơ trơ ra, mồm miệng thì không biết mở mồm ra chào hỏi à, hay nghĩ là vào đây là giỏi nên chả cần coi ai ra gì. Ôi văn hóa chào hỏi! Cái vấn đề tưởng chừng như đơn giản mà với một số người lại không hề đơn giản chút nào mọi người ạ. Vậy thì tại sao văn hóa chào hỏi nơi công sở lại quân trọng như thế?
Hiểu như thế nào là Văn hóa chào hỏi nơi công sở
Các cụ vẫn thường có câu “lời chào cao hơn mâm cỗ”, trong cuộc sống gia đình thì câu nói ứng với văn hóa chào hỏi thường thể hiện bằng sự lễ phép, cung kính đối với các thành viên trong gia đình với nhau.
Vậy thì trong môi trường cơ quan, công sở thì sao? Hiển nhiên, khi gặp nhau thì phải chào hỏi nhau đó là một phép lịch sự tối thiểu. Văn hóa chào hỏi thì từ lãnh đạo đến nhân viên, từ người lớn tuổi đến người trẻ tuổi thì mình nghĩ không có gì khó khăn đến như thế.
Điều chết ở đây là chữ “ngại”. Gặp nhau ở cơ quan, mình thấy nhiều bạn còn lầm lì, còn né ánh mắt nữa. Cá biệt có những người gặp sếp, gặp lãnh đạo chào lí nha lí nhí, kiểu chả ai nghe thấy gì luôn. Tất cả những biểu hiện đó của bạn thì sẽ có những người dễ dàng bỏ qua, nhưng có những người sẽ bảo bạn là người không có “văn hóa chào hỏi”.
Cá nhân mình hồi mới đi làm cũng từng mắc phải, và bị Sếp nhắc nhở trực tiếp. Mà rõ ràng là mình có chào thật ấy mọi người, nhưng cái kiểu chào hỏi mang tính chất ngài ngại ấy, mồm miệng thì lí nha lí nhí, thành ra chả ai nghe ra cái gì cả. Đấy tự nhiên mình lại làm khổ mình, bản chất mình không như thế nhưng lại làm cho người khác hiểu lầm là không có văn hóa chào hỏi.
Văn hóa chào hỏi nơi công sở như thế nào cho chuẩn mực
Người chào hỏi trước bao giờ cũng sẽ gây ấn tượng mạnh (còn ít tuổi thì chào người nhiều tuổi, nhân viên thì chào Sếp). Văn hóa chào hỏi ở nơi công sở cần phải đúng mực, phù hợp với hoàn cảnh, vai vế. Khi chào hỏi phải dẹp bỏ cái ngại trong người đi mà phải lộ ra sự thoải mái, niềm nở, có hành vi, cử chỉ nghiêm túc khi chào.
Văn hóa chào hỏi ở nơi công sở mình thấy cá biệt có trường hợp vừa đút tay vào túi quần vừa chào, có người vừa đi vừa chào. Tốt nhất đứng thẳng, đồng thời hơi cúi đầu khi chào để thể hiện tính lịch sự của mình ra.
Cách chào hỏi cũng phải có kiểu của nó. Ta có thể sử dụng lời chào đơn giản như (Em chào anh, Cháu chào chú, cháu chào cô, em chào sếp..), hoặc lồng ghép luôn trong câu hỏi thăm (Anh! Anh đi đâu đấy? hay Chị khỏe không chị) … Lời chào đôi lúc được thể hiện qua hành động, cử chỉ nhỏ (hành động cúi đầu chả hạn….) hay đơn giản là một nụ cười.
Tuy vậy, gặp những người có vị trí cao (VD như Sếp), khi chào, chúng ta hiển nhiên không thể gật đầu được, mà phải hơi cúi đầu để thế hiện sự lễ phép và tôn trọng cấp trên.
Kết lại
Mình nghĩ những ai không coi trọng văn hóa chào hỏi ở nơi công sở thì khó làm được việc lớn. Ừ thì sẽ có người nói, tôi giỏi, tôi thể hiện bằng kết quả công việc, chả cần phải quan tâm đến văn hóa chào hỏi làm cái gì. Nhưng không phải ngẫu nhiên có câu “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Thử hỏi sức mạnh cá nhân có thể hơn được sức mạnh tập thể không? Vậy tại sao lại coi thường những cái văn hóa chào hỏi tưởng chừng như quá đơn giản như thế. Thôi thì mỗi người lựa chọn một kiểu sống, một cách sống vậy.